Nghe TOEIC đạt 400+ không còn là giấc mơ nếu bạn biết điều này

Nghe TOEIC đạt 400+ không còn là giấc mơ nếu bạn biết điều này

Nghe TOEIC đạt 400+ dễ dàng nếu biết cách này

Một nửa của bài thi TOEIC là nghe. Bạn phải nghe liên tục, nghe không ngừng nghỉ suốt 45 phút đồng hồ.

Phần nghe TOEIC không khác gì địa ngục nếu bạn không có kĩ năng nghe tốt. Do vậy, bạn cần phải cải thiện kỹ năng nghe của bản thân.

Tuy nhiên, bạn có thể học một số mẹo làm phần nghe để đạt điểm cao dễ như ăn bánh (nếu bạn nghe được tiếng Anh).

Mẹo làm bài từng phần


Nếu bạn là người mới với phần thi TOEIC, bạn cần biết đề thi TOEIC gồm 2 phần: nghe và đọc. Phần nghe và phần đọc, mỗi phần đều có 100 câu. Bạn phải vượt qua phần nghe trong 45 phút (không vượt qua kịp thì "chết"). Bạn có thể xem cấu trúc đề thi TOEIC cụ thể tại đây.

Part 1: Mô tả tranh

Ở phần 1 này, bạn sẽ được nghe đoạn băng mô tả bức tranh được in trong đề thi.

Trước khi nghe, bạn hãy cố nhìn qua bức tranh một lần thật nhanh. Bạn cần chú ý tới:
  • Người
  • Sự vật
  • Hành động
  • Địa điểm
Bạn cần đặc biệt quan tâm tới những từ chỉ người, sự vật, hành độngđịa điểm trong đáp án để có câu trả lời đúng. Có thể nói, để làm tốt phần này, bạn phải có vốn từ vựng tương đối. Nếu không tự tin với vốn từ vựng của bản thân, bạn nên tham khảo cách học từ vựng bằng sơ đồ tư duy để đạt hiệu quả cao nhé.

Part 2: Hỏi & đáp


Phần này, bạn phải nghe những câu hỏi và tìm câu trả lời tương ứng. Các câu hỏi giống với tình huống giao tiếp hàng ngày nên cũng đơn giản thôi.

Khi nghe câu hỏi, bạn cần chú ý tới:
  • Từ để hỏi: What, Why, When, Where, Who và How
  • Các từ đồng âm, trái nghĩa
  • Câu hỏi đuôi
  • Câu hỏi không có từ để hỏi (YES / NO question) nhưng câu trả lời không có YES hay NO 
  • Các từ nói lướt như "wanna", "gonna",...
Muốn làm chính xác, không có cách nào khác, bạn phải nghe được câu hỏi và xác định được từ khóa chính. Chỉ một từ khóa chính thôi cũng giúp bạn tìm ra câu trả lời đúng.

Part 3: Đoạn hội thoại & Phần 4: Đoạn nói chuyện ngắn


2 phần này mình gộp lại làm 1 vì chúng có cách làm khá tương tự nhau. Vì 2 phần này có thời lượng dài hơn 2 phần trước và cũng đòi hỏi cao hơn nên thường gây cảm giác "ngán ngẩm" cho thí sinh.

Hãy tỉnh táo lại!

Việc bạn chán nản và buồn ngủ là điều mà bài thi TOEIC muốn. Chúng ta không được để nó đạt được ý đồ xấu xa đó.

Bạn cần phải tỉnh táo để vượt qua 2 phần thi này và PHẢI TỈNH TÁO mới vượt qua được. Trước khi bước vào Part 3, bạn hãy hít thở sâu một vài lần đề nạp thêm Oxi, tăng sự tập trung.

Khi bắt đầu nghe, bạn cần chú ý:
  • Không gian cuộc nói chuyện (cuộc nói chuyện đang diễn ra ở đâu?)
  • Vai trò của 2 người trong đoạn hội thoại
  • Những từ có âm giống nhau
  • Các từ mang nghĩa phủ định (not, hardly, impossible,...)
Và TUYỆT ĐỐI không được vừa nghe vừa trả lời câu hỏi. Bạn sẽ bị mất tập trung để rồi không nghe được gì. Lúc đó khóc cũng muộn rồi :(

Bạn cần tập trung 100% để nghe trọn vẹn đoạn hội thoại, sau đó vận dụng trí nhớ ngắn hạn trả lời thật nhanh 3 câu hỏi trong đề thi.

Luôn tin tưởng vào bản thân chính là mấu chốt để vượt qua 2 ải khó này!

Vì phải sử dụng trí nhớ ngắn hạn nên dù có nghe trọn vẹn đoạn hội thoại, bạn có thể không chắc chắn lắm với câu trả lời của mình. Đừng nghĩ ngợi gì cả mà chọn ngay đáp án đầu tiên hiện lên trong đầu bạn. Đáp án nghe quen quen thường là đáp án phù hợp với những dữ kiện bạn vừa nghe được ~ trí nhớ ngắn hạn said.

Kỹ năng cần thiết khi làm phần nghe TOEIC

Để làm phần nghe TOEIC được tốt hơn, ngoài những mẹo ở trên, bạn còn phải biết một số kỹ năng quan trọng khác.

Nếu những mẹo ở trên chỉ áp dụng cho từng phần thì những mẹo sau đây áp dụng được cho toàn bộ phần nghe TOEIC.

Phán đoán

Kỹ năng phán đoán khi làm phần nghe TOEIC

Phán đoán là kỹ năng vô cùng cần thiết khi bạn làm bài nghe.

Nhìn tranh đoán mô tả, nhìn câu trả lời đoán câu hỏi,... Vì bài thi TOEIC thiên về kĩ năng giao tiếp, đời sống hàng ngày nên mọi sự việc được đề cập đến đều hợp logic với cuộc sống. Điều này khiến việc phán đoán trong bài thi TOEIC khá dễ dàng.

Lần mình đi thi TOEIC, khi làm Part 2, câu hỏi với những đáp án khác nhau về chủ đề nó nhắc tới (câu về người, câu về vật, câu về địa điểm). Bạn cũng đoán ra rồi phải không? Chỉ cần nghe DUY NHẤT từ để hỏi là trả lời được rồi.

Ngoài ra, trong lúc thi khó tránh khỏi việc bạn chưa làm kịp. Thôi để đó, lát quay lại làm sau vậy!

Xin lỗi bạn, đây không phải kỳ thi ở phổ thông hay đại học. Bạn chỉ có 45 phút và sự thật là bạn chỉ có 45 phút để làm phần nghe. Bạn không nên và không được bỏ lại câu nào cả.

Vì thời gian thi là có hạn, chắc gì bạn đã có thời gian quay lại làm câu đó. Mà có quay lại thì giám thị cũng không bật lại băng cho bạn nghe đâu!

Hãy vận dụng khả năng phán đoán của bản thân và khoanh bừa một đáp án nào đó.

Sai không mất điểm NHƯNG không làm CHẮC CHẮN 0 điểm.

Việc khoanh bừa tuy có chút may rủi nhưng bạn vẫn có thể có điểm. Ít nhất thì hãy tin vào vận may của bản thân một lần xem.

Hơn nữa, hoàn thành bài trước khi bước sang câu khác rất quan trọng. Bạn sẽ không bị phân tâm khi cố nhớ lại phần nghe của câu trước để hoàn thành nó. Từ đó, điểm số của bạn sẽ cao hơn là khi để "hiệu ứng domino" diễn ra.

Đừng để những thất bại nhỏ trở thành một thất bại lớn.

Đầu bút chì thần kì

Phương pháp đầu bút chì chọn nhanh phương án trả lời đúng, tránh sai sót

Kỹ thuật đầu bút chì đơn giản mà hiệu quả cao, nhất là ở Part 1 khi bạn nghe lần lượt từng đáp án để chọn câu trả lời phù hợp với bức tranh.
Đương nhiên sức mạnh của nó bị giảm đi ở các Part sau khi bạn phải nhìn nhiều đáp án một lúc. Nhưng không phải không thể áp dụng.

Cách sử dụng phương pháp đầu bút chì rất đơn giản!

Bạn chỉ cần đặt bút chì ở đáp án đầu tiên, nghe và phán đoán đáp án đó có đúng không. Nếu không thì di chuyển đầu bút chì sang đáp án tiếp theo ngay lập tức. Nếu đúng thì tô là điều còn lại bạn phải làm.

Phương pháp đầu bút chì giúp bạn lựa chọn đáp án đúng ngay khi nghe thấy dữ kiện, tăng tỉ lệ chính xác và giảm tối đa khả năng sai sót, nhầm lẫn trong lúc làm bài.

Kỹ thuật này có thể được tối ưu nếu kết hợp kỹ năng phán đoán của bạn. Thay vì đặt bút chì ở câu A (bạn biết câu A chắc chắn sai) thì bạn bắt đầu ở câu B.

Lưu ý: Bạn cần chú ý không ấn đầu bút chì mạnh khi chưa bắt đầu tô để tránh bị mất điểm oan nhé!

Loại trừ


Phương pháp loại trừ đã quá quen thuộc rồi :)

Với phương pháp này chỉ cần bạn tìm ra 3/4 hoặc 2/3 đáp án là sai thì đáp án còn lại là đúng.

Phương pháp này cũng vô cùng tối ưu khi kết hợp với khả năng phán đoán của bạn. Phán đoán giúp bạn làm bài nhanh hơn, cũng là nguyên nhân khiến phương pháp loại trừ bị "chệch ray".

Bạn cần phải giảm thiểu tối đa khả năng nhận định của bạn bị sai. Nếu bạn không chắc đáp án đó có sai hay không, cứ để nó đúng đã. Nghe xong rồi quay lại phán xét.

Thứ tự ưu tiên của bạn là: Chắc chắn đúng > Loại trừ > Chọn bừa

Kết luận


Nghe TOEIC là một phần thi quan trọng, đặc biệt khó khi bạn không thể quay lại làm sau khi hết 45 phút thi.

Để vượt qua phần nghe với điểm số cao nhất, bạn cần rèn luyện kỹ năng nghe hàng ngày. Ngoài ra, biết một vài mẹo làm bài phần nghe cũng giúp bạn tự tin hơn khi làm phần bài này.

Quan trọng nhất là luyện tập thường xuyên. Chỉ cần bạn chăm chỉ, 400+ phần nghe hoàn toàn không phải là đối thủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét